Sống xanh như người Thụy Điển

23/10/2022 05:23
TTO - Ngày xưa khi Thụy Điển bắt đầu có quy định phân loại rác, có rất nhiều phản kháng trong thời gian đầu, đặc biệt là những người già. Nhưng ngày nay không ai còn đặt câu hỏi vì sao họ phải làm việc này nữa...

 

Sống xanh như người Thụy Điển

Một tòa nhà làm bằng gỗ ở thành phố Skellefteå - Ảnh: Whitearkitekter.com

Trong cuộc trò chuyện với Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Mawe ở văn phòng làm việc của bà trung tuần tháng 8, chúng tôi thi thoảng chú ý đến một cái chén nhỏ đựng những sợi sẫm màu giống thực vật được chiên giòn.Nhận ra điều này, bà giới thiệu đầy tự hào đây là vỏ củ cà rốt và khoai tây, vốn là thứ bị bỏ đi sau khi gọt, được tẩm ướp rồi chiên giòn như một món ăn vặt khi trò chuyện.

"Nếu bạn đến Thụy Điển ngay bây giờ, bạn sẽ thấy rằng có rất nhiều lựa chọn thân thiện với môi trường cho người tiêu dùng. Người dân cũng biết cách phân loại rác thải, chịu trách nhiệm về việc quản lý rác thải của họ và luôn nghĩ về lượng khí thải carbon tạo ra từ các hoạt động của mình" - Đại sứ Ann Mawe mở đầu câu chuyện về những người sống xanh và nền kinh tế xanh của Thụy Điển.

Việt Nam không nhất thiết phải đi theo quỹ đạo giống như Thụy Điển. Việt Nam có con đường của riêng mình nhưng cần phải có sự hợp tác của tất cả các nhân tố trong xã hội.

Đại sứ Ann Mawe

Sống xanh như người Thụy Điển

Đại sứ Ann Mawe - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

"Kinh tế tuần hoàn" trong nhà

* Thụy Điển là quốc gia nổi tiếng về sống xanh. Bà duy trì lối sống xanh ở Việt Nam như thế nào?

- Tôi là một người ăn chay vì sản xuất thịt là một trong những nguồn chính phát thải khí nhà kính. Trong các tiệc được tổ chức tại nhà của đại sứ hay các bữa ăn hằng ngày, chúng tôi đều cố gắng mua các sản phẩm địa phương thay vì nhập khẩu để hạn chế lượng khí thải carbon.

Tôi thích đạp xe đạp đi làm nhưng đôi khi thách thức là trời rất nóng ở Việt Nam và không khí có lúc bị ô nhiễm nữa.

Nếu tôi không đạp xe đi làm, tôi muốn đi bằng phương tiện công cộng nhưng đây cũng là vấn đề khá đau đầu vì hệ thống giao thông công cộng chưa phủ rộng. Mặc dù vậy ở Việt Nam cũng có rất nhiều điều thú vị khác.

Vào cuối bữa tối, nếu có rác thải thực phẩm, chúng tôi sẽ cho nó vào thùng ủ phía sau nhà để tạo thành phân bón hữu cơ. Quá trình này rất nhanh ở Việt Nam trong khi ở Thụy Điển thì lâu hơn nhiều mới có được loại phân bón phù hợp để trồng rau.

Nhờ vào phân bón ấy, cà chua hay rau cải trong khuôn viên nhà của đại sứ lúc nào cũng sẵn có. Có thể xem nó giống như một nền kinh tế tuần hoàn thu nhỏ trong gia đình vậy (cười).

* Hẳn là cách sống xanh của người Thụy Điển đã truyền cảm hứng cho nhiều người ở Việt Nam?

- Khi tôi lắp các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà của mình, tôi đã mời đại sứ một số nước cũng sống cùng khu đó và các hàng xóm Việt Nam sang tham quan. Tôi chỉ cho họ thấy việc lắp đặt dễ như thế nào nhưng hiệu quả kinh tế ra sao.

Tôi thấy cũng có vài đại sứ đã lắp các tấm pin năng lượng mặt trời. Vài người cũng bắt đầu nghĩ về thức ăn mà họ được phục vụ. Tôi nghĩ điều này chắc là do tôi luôn nói một chút về các thức ăn được dọn lên trước khi mọi người bắt đầu dùng bữa.

Chị đầu bếp người Việt của tôi cũng là một người có rất nhiều ý tưởng trong chống lãng phí thực phẩm.

Thông điệp của tôi với những người đang theo đuổi lối sống xanh rất ngắn gọn: việc bạn làm có ý nghĩa quan trọng, nó sẽ không khó để thực hiện và sẽ rất vui nữa là đằng khác. Điều này không chỉ là vì nó tốt cho sức khỏe mà còn khuyến khích bạn không ngừng suy nghĩ tìm ra các cách thức sáng tạo mới.

Tin tôi đi, bạn sẽ nhận được nhiều năng lượng hơn từ việc có một lối sống xanh.

Đại sứ Ann Mawe

Sống xanh như người Thụy Điển

Vườn rau bón bằng phân hữu cơ ở nhà đại sứ Ann Mawe.

Động lực thay đổi từ người tiêu dùng

* Vậy những kinh nghiệm nào từ Thụy Điển có thể giúp Việt Nam trong chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và tuần hoàn, thưa bà?

- Tôi nghĩ Việt Nam cũng có khả năng đi theo hướng này. Thụy Điển có hàng ngàn công ty đã quen với nền kinh tế tuần hoàn và đang có mặt tại Việt Nam. Tôi tin là những công ty này sẽ truyền cảm hứng khi làm việc với các công ty địa phương. Cá nhân tôi cũng nhận thấy được sự quan tâm rất lớn của Việt Nam đối với mô hình phát triển của Thụy Điển.

Vì hai đất nước của chúng ta khác nhau, mô hình phải được điều chỉnh phù hợp với Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ trong câu chuyện về nền kinh tế tuần hoàn, để vòng tròn luân chuyển thực sự hoạt động, nó thực sự phải được phân cấp.

Các thành phố và địa phương phải được trao quyền để làm việc này và có đủ nguồn lực cũng như đủ quyền hạn để thực hiện nó ở cấp địa phương. Tôi tin cần có sự phối hợp giữa hai chiều từ trên xuống và từ dưới lên.

Chúng tôi sẵn lòng hoan nghênh các phái đoàn Việt Nam đến Thụy Điển để tìm hiểu về hệ thống quản lý chất thải, bao gồm cả chất thải trong sản xuất năng lượng.

* Theo quan điểm của bà, chính phủ hay các công ty tư nhân mới là người nên giữ vai trò chính trong việc thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn?

- Ở Thụy Điển, các công ty đang đi đầu và dẫn dắt bằng các hành động, minh chứng cụ thể. Tất nhiên phải có sự thúc đẩy của chính phủ nữa. Chính phủ không đưa ra ý tưởng mà chỉ nêu định hướng, còn các công ty sẽ hiện thực hóa và cụ thể hóa.

Có những công ty khởi nghiệp nhỏ, phần lớn được dẫn dắt bởi những người trẻ tuổi, nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng của giới trẻ nhanh. Điều chính phủ cần làm là tạo không gian cho các doanh nghiệp này phát triển, thiết lập hệ thống hỗ trợ các công ty khởi nghiệp và những ý tưởng đổi mới.

Động lực thay đổi cũng nằm ở người tiêu dùng, bởi vì người tiêu dùng sẽ bắt đầu yêu cầu ngày càng nhiều các mặt hàng thân thiện với môi trường.

Tôi lấy ví dụ như ở Thụy Điển, có khoảng 72% người tiêu dùng luôn cân nhắc yếu tố phát triển bền vững khi lựa chọn một sản phẩm. Khi đứng trước một loạt bột giặt sinh học và bột giặt thường, người Thụy Điển sẽ chọn sản phẩm không gây hại môi trường.

Khi các doanh nghiệp bắt đầu nhận thức được xu hướng tiêu dùng mới, ngành công nghiệp sẽ phải sản xuất những thứ thân thiện với môi trường hơn. Các ông chủ luôn muốn thứ của doanh nghiệp họ làm ra được mua và đón nhận.

Đối với Việt Nam, vốn phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các bạn nên nhận thức được rằng để cạnh tranh trong tương lai thì phải có nền kinh tế sử dụng năng lượng xanh sạch. Bởi nếu không, sẽ không có công ty nào sẵn lòng đầu tư vào đây nữa.

Ở miền bắc Thụy Điển hiện nay 100% năng lượng là xanh và sạch, đó là lý do tại sao các công ty muốn sản xuất ở đó thay vì nơi khác.

Việt Nam đã tham gia một số hiệp định thương mại tự do rất tiến bộ với Liên minh châu Âu (EU) và các nước khác. Trong đó họ cũng có yêu cầu rõ là Việt Nam phải phát triển xanh và bền vững.

Vì vậy, để có thương mại tốt với EU và các nước có hiệp định thương mại tự do tương tự, Việt Nam cần phải đi theo hướng này bởi vì đó là một hướng đi tích cực.

Có một điều tích cực là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Việt Nam đang là hình mẫu dẫn đầu và tiến nhanh hơn các nước khác ở Đông Nam Á.

* Con số 72% người tiêu dùng Thụy Điển chú trọng tính bền vững và thân thiện môi trường của sản phẩm thực sự rất ấn tượng. Việt Nam có thể đạt được cột mốc ấy bằng cách nào?

- Tôi nghĩ mọi thứ nên bắt đầu từ nhận thức chung về tầm quan trọng của môi trường, nhưng sẽ mất một thời gian dài. Tôi đã thấy điều đó từ trong chính đất nước của mình.

Vào những năm 1970, đường phố Thụy Điển không sạch đẹp như bây giờ, vẫn có những đống rác và người vứt rác trên phố. Rồi chính phủ bắt đầu bằng việc vận động, tuyên truyền người dân sau đó thì sử dụng tới biện pháp "cây gậy và củ cà rốt" là phạt người vứt rác trên đường.

Thay đổi hành vi cần thời gian, trong khi một số người tự nhận thức và điều chỉnh thì cũng có một số người khác phải có người bắt ép họ mới làm.

Ngày xưa khi Thụy Điển bắt đầu có quy định phân loại rác, có rất nhiều phản kháng trong thời gian đầu, đặc biệt là những người già. Nhưng ngày nay không ai còn đặt câu hỏi vì sao họ phải làm việc này nữa.

Đối với câu hỏi của bạn, tôi nghĩ đôi khi có thể mất một khoảng thời gian và để đạt được con số này, cần sự kết hợp việc nâng cao nhận thức đi kèm với các khuyến khích tích cực chẳng hạn như siêu thị buộc khách phải trả tiền khi sử dụng túi nilông nhưng sẽ được miễn phí khi mang theo túi vải ở nhà đến.

Sống xanh như người Thụy Điển

Đường sắt ở Thụy Điển thân thiện với môi trường bậc nhất thế giới - Ảnh: imagebank.sweden.se

Các thành tựu phát triển xanh của Thụy ĐiểnTiên phong về môi trường

Thụy Điển là nước đầu tiên trên thế giới thông qua Luật bảo vệ môi trường năm 1967. Chính phủ Thụy Điển đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng cho sự bền vững như ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2045.

Thành phố thông minh với khí hậu

Năm 1995, thành phố Stockholm đã quyết định thành lập công viên quốc gia trong đô thị đầu tiên trên thế giới để bảo vệ các không gian xanh trong đô thị thay vì chuyển đổi đất rừng và nông nghiệp để làm nhà. Nhiều khu công nghiệp cũ được cải tạo thành các ngôi nhà tiêu thụ ít năng lượng. Thành phố mở rộng hệ thống xe điện công cộng.

Nhà thân thiện với môi trường

Thụy Điển cũng là nước đi đầu trong xây nhà gỗ, đặc biệt là nhà cao tầng bằng gỗ. Trong khi các công trình xây dựng bằng ximăng có ảnh hưởng đến môi trường rất lớn, các công trình xây dựng bằng gỗ lại hoàn toàn ngược lại: nó không trả CO2 từ cây về lại khí quyển mà còn lưu trữ lượng CO2 này trong thời gian dài.

Xe điện

Từ đường bộ, đường sắt, đường biển đến đường hàng không, các phương tiện chạy điện là tương lai của giao thông. Ngành công nghiệp ôtô Thụy Điển đã cam kết sẽ có 80% tổng số ôtô mới bán ra ở Thụy Điển sử dụng điện vào năm 2030. 50% tổng số xe tải hạng nặng trên 16 tấn cũng sẽ chạy bằng điện.

Giao thông công cộng là một mạng lưới hiệu quả ở Thụy Điển. Toàn bộ hệ thống tàu điện ngầm chạy bằng điện xanh và từ năm 2017, tất cả xe buýt đều chạy bằng nhiên liệu tái tạo. Một số địa phương còn sử dụng xe đạp điện để giao hàng thay vì xe tải.

Kinh tế tuần hoàn

Chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn kêu gọi tiêu dùng thông minh hơn, tái sử dụng và tái chế nhiều hơn, hợp tác và chia sẻ để giảm rác thải xuyên suốt vòng đời sản phẩm. Ở Thụy Điển, giảm thiểu rác thải bằng sửa chữa, tái sử dụng, tái chế, tái sản xuất... là mục tiêu của mọi ngành, từ thực phẩm đến thời trang. Đến năm 2035, 2/3 lượng rác thải đô thị phải được xử lý để tái chế hoặc tái sử dụng. Hàm lượng tái chế trong tất cả các bao bì sẽ tăng 30% từ năm 2022 - 2030.

Chuyển đổi số

Các giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông được lượng hóa có tiềm năng để giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu tới 15%. Các ứng dụng hướng đến một nền kinh tế chia sẻ giúp người dân sẽ tư hữu ít hơn nhưng vẫn được tiếp cận nhiều tiện ích hơn.

Người trẻ Việt có thể tạo sự thay đổi

* Cảm nhận của bà về người trẻ Việt Nam và động lực cho phát triển xanh ở Việt Nam như thế nào?

- Tôi đã tiếp xúc với rất nhiều bạn trẻ Việt Nam sáng tạo, có ý tưởng hay và họ nhận thức rằng Việt Nam đang thực sự chịu tác động của biến đổi khí hậu. Họ nhìn thấy nó từ ô nhiễm không khí ở Hà Nội, từ những mùa bão đang ngày càng tồi tệ hơn cùng những tác động đối với nông nghiệp ở ĐBSCL. Những người trẻ Việt Nam nhận thức được rằng bản thân họ có thể tạo ra sự thay đổi và đó là điều làm tôi ấn tượng.

Các bạn trẻ Việt Nam đang tìm kiếm một lối sống lành mạnh và thân thiện với môi trường như đạp xe, ăn nhiều rau hơn và ít thịt hơn. Tôi thấy phong trào sống xanh sống khỏe ở các đô thị đang ngày càng mở rộng.

Thụy Điển của chúng tôi có Greta Thunberg đại diện cho một thế hệ trẻ lo lắng về một tương lai phải chung sống với các tác động của biến đổi khí hậu. Con gái tôi đã chuyển sang ăn chay vì Greta Thunberg. Từ câu chuyện của con gái mình, tôi đã đọc nhiều hơn về biến đổi khí hậu và nối gót con gái của mình, trở thành một người ăn chay.

 

DUY LINH - HỒNG VÂN thực hiện

Theo Nguồn tuoitre.vn

Sống xanh như người Thụy Điển - Tuổi Trẻ