NSND Hoàng Cúc: "Cha mất khi chưa được chứng kiến sự trưởng thành của tôi trong nghệ thuật"
Tuổi thơ nghịch ngợm và êm đềm trong sự che chở của cha
Còn nhớ khi tôi khoảng 8 - 9 tuổi, mình tôi với lũ con ông Bút lêu khêu toàn con trai, mặt mũi đen nhẻm khều ong tổ chưa kịp rơi, lũ ong đuổi theo, chúng tôi chạy tán loạn, nhảy cả xuống ao, lặn ngụp trốn ong.
Tôi vác cái môi vều, chín mọng, đỏ lòm về nhà. Bữa ấy bỏ cơm, cha phải gặng mãi tôi mới nhận ong đốt. Cha cứ xuýt xoa, mẹ thì mắng. Cha cho tôi uống và bôi cái gì ấy, rồi sáng tiêm, chiều tiêm, cả chục hôm sau tịt hắn.
Tôi thích vầy nước lắm, chả hiểu sao, tôi có thể ngồi nửa ngày bờ sông lội bì bõm, hát véo von mỗi khi theo mẹ ra đồng đập đất. Có bữa từ chiều tôi ngụm lặn cho rã tay, sun lưỡi.
Có hôm tối mịt đến bữa cơm không thấy về, nhà sợ ma lam dìm tôi chết dưới đáy hồ, cả nhà chạy ra hồ bán nguyệt gào khản cổ, mãi tôi mới lóm ngóp lên bờ. Mẹ thở dốc, xui cha tôi nọc ra đánh cho một trận “cho chừa”. Các anh chị tôi ai ông cũng “thương cho roi cho vọt”. Cha bảo nhà đông con, cha thì nay đây mai đó nếu không có “cây gậy và bắp ngô" thì loạn cờ.
Tôi tóc tai lởm chởm, con trai một nửa con gái một phần, vì lội ao tắm hồ đầu rất nhiều chấy. Cha lén giấu mẹ xén tóc tôi cho nhẹ đầu, “tóc dày quá cắt cho nó đỡ nóng” cha nói cho mẹ khỏi mắng.
Cho đến tận bây giờ tôi vẫn không cắt nghĩa hết vì sao cha tôi chả bao giờ đánh tôi, một cái bạt tai cũng tuyệt không.
May mà tôi học văn hóa nhẹ lắm, như không, toàn điểm cao, chẳng anh chị nào phải phụ giúp. Tôi hay làm mẹ cáu vác gậy đuổi, tôi luồn khắp nhà trêu ngươi. Cha lại giơ tay giơ lưng ra đỡ, bảo: “Nó sáng dạ là được rồi”.
Lúc vui nhất là sau bữa chiều, hoặc cúng rằm, mùng một, vài ba giọt rượu cha tưng bừng, hai cha con ôm nhau đưa võng ríu ran hát hò, cha khoái chí vỗ đùi đen đét, nổi hứng, lẩy Kiều “ trăm năm cho cuộc vuông tròn, cũng là phận mỏng cánh chuồn mà thôi”.
Cha mua truyện về bắt tôi đọc, ngái ngủ, đèn dầu có bữa đổ xuýt cháy nhà, tôi cãi cha: “Con không thèm đọc truyện, con chỉ thèm ngủ thôi”.
Biến cố gia đình
Cha tính tính phóng khoáng, không ở yên một chỗ nhưng hễ đi đến đâu cha lại đón mẹ tôi đi cùng. Rồi đến khi mẹ chửa ông tiêm thuốc Tây, bốc thuốc nam cho mẹ, dặn dò kỹ lưỡng rồi mẹ lại quay về quê sống. Mỗi lần sinh con, cha đặt tên theo địa danh đang sống. Đi Đà Lạt anh cả tôi tên Thông, đi Sapa anh hai tôi tên Sơn, đi Campuchia anh ba tôi tên Lâm…
Sau biến cố hai người anh của tôi bị chết vì nhiễm trùng, mẹ tôi đau đớn nhất quyết đòi về quê.
Vì thương mẹ, cha đã bỏ lại tất cả cuộc sống tiện nghi đầy đủ lương cao, cả việc theo đuổi tấm bằng bác sĩ dang dở. Cha dời Hà Nội, các con cũng bỏ học theo, tìm về nơi chôn nhau cắt rốn ở thôn Mạc Hạ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Nhưng chiến tranh giặc giã ly tán, họ hàng chẳng còn ai…, cha tôi lại lếch thếch ôm các con cùng mẹ tôi sang Hưng Yên lập chốn nương thân.
Thời gian này ông được hành nghề cho cả tỉnh. Quân Pháp thương vong nhiều ông lại bị dung nạp làm việc cho Pháp, quản dân mấy huyện và tỉnh.
Cả tỉnh Hưng Yên có ông và cha sứ là thạo tiếng Pháp. Cha bảo không làm lấy gì mà sống cha bị bắt làm khu trưởng. Cha làm kế toán, rồi đủ thứ kiêm tiếp khách, kiêm lao động thể mỹ… Cha trực tính, dễ nổi nóng nên nhiều khi bị hiểu là chống đối.
Sau này khi lớn lên hễ mỗi lần đánh nhau gần như tôi bao giờ cũng bị bọn trẻ chửi bục mặt, có lần tôi tặng cả hòn gạch con nhà người ta biêu đầu mẻ trán, máu loan cả mặt, bố mẹ chúng sang gào lên bắt đền.
Thật ra tôi cũng chả thích thú gì cái việc cục súc hạ cẳng tay, cẳng chân đâu, mà vì bọn nó cứ lôi tên bố tôi cùng tên quản 6 phố thị xã ra ghép lại: “thằng Quản Hà, địa chủ” thế là tôi lao vào… tỉ thí. Mỗi lần như thế, cha đều nhận lỗi với bố mẹ chúng, xin hầu hạ thuốc men mấy ngày, tiêm chống uốn ván, thuốc kháng sinh, thuốc bổ. Mẹ đay nghiến vì “tự dưng mất tiền oan, ông chiều nó cho lắm vào”.
Cha nhìn nheo nheo bảo tôi đi tắm: “Con gái đánh nhau thế khi lớn ai dám gả chồng”.
Tôi chẳng thể nào quên những bữa cha cắp ô đi làm cán bộ lưu dung ủy ban tỉnh Hưng Yên. Ông đẹp lắm (mỗi tội lùn hơn mẹ đến nửa cái đầu) bao giờ đi đến ủy ban làm việc cũng cà vạt áo Tây, đi chiếc xe PoPô nam…
Rồi bỗng một ngày ông bị đi tù. Chúng tôi gọi là tù đời mới. Khi đó tôi mới 9 tuổi.
Ra tù, rồi được minh oan, ủy ban “xoa dịu” cho cha trông coi 12 cây nhãn cổ tiến vua ở phố Hiến. Thủa ấy tôi đã từng kéo lũ học trò bạn tôi từ chỗ học sơ tán kéo vào chỗ cha ở phố Hiến, ông cho ăn nhãn thỏa thích rồi lại ôm mỗi đứa một bọc nhãn rụng về, mà cấm hái nhãn trên cành .
Vậy mà đến lúc đã 68 tuổi, cha xin mãi mới được về nghỉ, còn chẳng được đồng lương hưu nào.
Ngày cải cách ruộng đất mẹ cha tôi thoát địa chủ vì cha hoạt động cách mạng, đào hầm nuôi giấu Việt Minh. Cha bị bắt đánh cho chết đi sống lại đến gãy hết “hàng tiền đạo” mà nhất quyết không khai. Giặc Pháp nhiều lần về càn ông nhận lệnh rồi đi báo để Việt Minh ẩn nấp, người dân chạy càn mà thoát. Chúng điên tiết lại tóm cha vào nhà giam, nghi cha làm hai mang.
Anh Lâm tôi từng than: “Cậu tù đằng Tây, Cậu tù đằng ta, mà ít nói ra, chỉ giỏi cười hề hề suốt ngày như dở.”
Khi tôi lớn thêm một chút tôi thấy những buổi chiều chạng vạng, cha hay nằm võng ngóng mẹ đi làm đồng chưa về, có khi cả ngày chả buồn nói câu nào, ông ho sù sụ nhiều hơn…
Đêm định mệnh khiến cuộc đời tôi rẽ thẳng vào con đường nghệ thuật
Buổi tối hôm đó, cha tôi dắt tôi đến nhà ông Hoạt, cha dặn tôi đừng sợ đừng khóc nhé, khiến tôi nghĩ có việc gì "kinh thiên động địa" lắm.
Trong cái lạnh mùa đông phùn mưa, cha tôi trong chiếc áo badoxuy bạc phếch, ngọn đèn điện đỏ như đom đóm đực hắt xuống sống mũi thẳng băng một thời hào sảng.
Cha tôi nói như mếu: "Xin ông, tôi chỉ còn có đứa con gái út ít, các con tôi chẳng đứa nào được làm nhà nước vì cái lý lịch của tôi, ông từng sống trong nhà tôi, được vợ tôi nuôi nấng…"
Tôi đứng trân trân, lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến cha tôi khóc, giọt nước mắt héo úa tràn ra trên đôi mắt mờ, trên làn da nhăn nheo còn phảng phất vẻ yêng hùng.
Ông Hoạt là chủ tịch uỷ ban nhân dân thị xã Hưng Yên.
Cha đang cầu xin ông bảo lãnh cho tôi. Tận tai tôi nghe cha tôi “đàm phán” với ông Hoạt. Còn ông ấy bảo: "Tôi ăn ở nhà ông khi nằm hầm. Ông rất có công nuôi giấu cán bộ Việt Minh, tôi có trách nhiệm chứ, mà ngày ấy sao ông gàn dở thế".
Cha im như thóc. Vẫn ông Hoạt nói: "Sau hòa bình, lập công báo công tôi hỏi thật sao ông ngang bướng thế? Sao không chịu viết đơn xin cấp giấy khen gia đình có công với Cách mạng. Chính ông làm khổ chúng nó".
"Chuyện cũng qua lâu rồi ông ạ" - Cha cười nhẹ.
Vâng, tôi đang kể với các bạn cái ngày định mệnh với cuộc đời tôi, ngày mà cha dắt tôi lên tận nhà ông Hoạt ấy, khiến cho tôi không cam phận đến tuổi lấy chồng mà lại đi thi hát .
Giấy báo tôi trúng tuyển.
Cha tôi mừng quá, bèn triệu tập cả nhà. Họp khẩn.
Bàn đến nửa đêm, mẹ tôi vẫn khóc, nhất khoát không cho đi! “Sao lại làm con hát, sao lại làm xướng ca vô loài, nó còn bé tí mới 15 tuổi đầu".
"Thế bà theo chồng từ năm 13 thì sao!", Cha tôi trấn an mẹ.
Sáng hôm sau mặt trời bừng bừng trên vòm nhãn, tiếng con chim gáy bừng khắp sân, cha tôi đã ngồi bàn nước kêu mọi người dậy: "Mợ mày để nó tôi quyết".
Ông nghẹn lời:
"Việt Nam dân chủ cộng hoàĐộc lập tự do hạnh phúc!ĐƠN XIN CẮT HỘ KHẨUTôi là: Hoàng Tả Hà. Tôi làm đơn này đệ lên xin…"
Mẹ tôi nấc lên, tôi như bay lơ lửng, nghẹn cả thở.
Tôi đi, chẳng biết phía trước kia sẽ có những gì. Nhưng sẽ chẳng còn được ở bên mẹ nữa, sẽ chẳng được mẹ gội đầu bồ kết lá hương nhu cho tôi, sẽ chẳng được ăn những bữa cơm bổ dưỡng ngon lành, sẽ chẳng còn tiếng thủ thỉ mỗi đêm bên mẹ khi hương hoa vườn nhà tỏa ngát… Xa cả những lời dặn của mẹ: Con gái không được cười hơ hớ giữa đám đông, đừng bao giờ quát tháo ai mỗi khi nóng giận, rồi mẹ dạy cách xem những vòng tròn loạn lạc của ánh trăng, cả ngôi sao có ông lão chăn vịt và dải ngân hà xa lơ xa lắc… Và tôi nhớ cha. Tôi đi rồi, còn ai cắt tóc cho cha, nhổ râu cho cha, an ủi bên cha những buổi chiều ngồi bên cánh võng, lặng lẽ đợi mẹ đi từ cánh đồng xa trở về nhà.
Nhưng tôi biết, cha đã đọc được khát vọng theo đuổi con đường nghệ thuật trong tôi, trong tâm hồn nổi loạn của tôi. Và chính cha, đã một mình một ý, “cưỡng” cả ý người vợ mà cha luôn nể vì để đi một bước quyết định cho cuộc đời tôi.
Nhiều chục năm qua rồi, tôi vẫn nhớ như in lời cha nói khi biết tôi trúng tuyển cuộc thi hát: "Phải đi chứ. Thoát ly gia đình mà đi. Chỉ có nghệ thuật mới khiến cho tâm hồn của con được tự do. Con mới được sống đúng là mình".
Cha đã mất mà chưa kịp chứng kiến sự trưởng thành của tôi trong nghệ thuật. Có lẽ đó là nỗi ân hận nuối tiếc nhất mà cuộc đời khiến tôi phải gánh chịu.
Bài dự thi cuộc thi viết "Cha và con gái"Tác giả: NSND Hoàng Cúc
Ban biên tập