GD&TĐ - Huấn luyện viên Kim Sang Sik tiếp quản đội tuyển Việt Nam đang trong giai đoạn lao dốc cả về phong độ lẫn niềm tin.
Trung vệ đội trưởng Quế Ngọc Hải mắc sai lầm dẫn đến bàn thua trong trận đội tuyển Việt Nam thi đấu giao hữu với Ấn Độ tại sân Thiên Trường (Nam Định). Ảnh: INT. |
Đội tuyển Việt Nam hiện nay rất khó để nắm bắt huấn luyện viên Kim Sang Sik đang làm gì. Thành tích ngắn hạn, như mục tiêu vô địch ASEAN Cup 2024 thì quá mong manh, còn với đầu tư cho dài hạn thì chưa có dấu hiệu nào thật sự rõ ràng.
“Đời không như là mơ”
Những chiến binh Rồng vàng đang dễ tổn thương hơn bao giờ hết. Trong 5 trận dưới triều đại huấn luyện viên Kim Sang Sik, đội tuyển Việt Nam thắng Philippines 3-2, thua Iraq 1-3, Nga 0-3, Thái Lan 1-2 và hòa Ấn Độ 1-1.
Các cầu thủ Việt Nam ghi 6 bàn, trung bình 1,2 bàn/trận, song để thủng lưới đến 11 bàn (2,2 bàn/trận). Đáng chú ý, 4/11 bàn thua trước đối thủ yếu Philippines và Thái Lan, đội bóng dùng nhiều cầu thủ trẻ ở LPBank Cup 2024 đầu tháng 9 vừa qua.
Trận hòa Ấn Độ vào ngày 12/10 tại Nam Định đã cho thấy nhiều vấn đề của đội tuyển Việt Nam, như lối chơi chưa định hình, hàng phòng ngự lẫn tuyến giữa bất ổn, hàng công thiếu chân sút đẳng cấp vượt tầm khu vực Đông Nam Á.
Đặc biệt, chiến lược gia người Hàn Quốc dường như vẫn trong trạng thái “đẽo cày giữa đường” trước những vấn đề như lựa chọn cầu thủ, chiến thuật cũng như ưu tiên mục đích ngắn hạn, hay hướng đến kế hoạch dài hơi.
Huấn luyện viên Kim Sang Sik tiếp quản đội tuyển Việt Nam đang trong giai đoạn lao dốc cả về phong độ lẫn niềm tin. Ông thầy sinh năm 1976 không khó để nhận ra vấn đề lớn nhất nằm ở chất lượng cầu thủ, khát vọng đi xuống và cần phải thay đổi. Nhưng thất bại của người tiền nhiệm Troussier với cuộc “cách mạng” nhân sự lẫn lối chơi trước đó, cộng với tâm lý cầu toàn khiến ông Kim đang bước đi hết sức dè dặt, thiếu cá tính. Đội tuyển Việt Nam hiện nay được “trộn lẫn” một vài nhân tố mới bên cạnh nòng cốt là các cựu binh.
Tuy nhiên, phần đông lứa cầu thủ từng giúp bóng đá Việt Nam thăng hoa dưới thời huấn luyện viên Park Hang Seo đang đi xuống cả về chuyên môn lẫn tinh thần do tuổi tác, chấn thương hoặc sự “no đủ” danh hiệu, lương bổng. Và cũng phải nhắc lại, ngay cả đội hình tốt nhất cùng phong độ đỉnh cao dưới thời ông Park thì đội tuyển Việt Nam chưa một lần đánh bại đội tuyển Thái Lan.
Cùng với đó, lứa kế cận chưa trưởng thành hoặc chỉ vài gương mặt tiềm năng khiến cho ông Kim làm gì cũng khó. Nếu không kiên định theo cách mình mong muốn, nhà cầm quân 47 tuổi rất dễ rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Ngay sau trận hòa nhạt nhòa với Ấn Độ, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cùng Hội đồng HLV quốc gia đã có cuộc họp với huấn luyện viên Kim Sang Sik, với điểm nhấn là ASEAN Cup 2024.
Tại cuộc họp, ông thầy người Hàn Quốc báo cáo kết quả chuyên môn của đội tuyển Việt Nam sau hai dịp thi đấu giao hữu FIFA Days tháng 9 và 10, trong đó nêu rõ những khó khăn và thuận lợi của đội tuyển cũng như những vấn đề hạn chế cần khắc phục về nhân sự, lối chơi đã bộc lộ qua các trận đấu.
Ngược lại, Hội đồng HLV quốc gia cũng đã có những đóng góp chuyên môn với ông Kim với mục tiêu đội tuyển Việt Nam thi đấu tốt tại ASEAN Cup 2024.
Huấn luyện viên Kim Sang Sik (bên phải) họp cùng các lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chiều 15/10. Ảnh: VFF.
Chia sẻ với truyền thông sau cuộc họp, ông Trần Anh Tú – Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam lên tiếng ủng hộ huấn luyện viên Kim Sang Sik, cũng như bày tỏ quan điểm, đội tuyển Việt Nam đang đi đúng hướng.
“Mục tiêu trong các trận giao hữu FIFA Days vẫn là giúp đội thi đấu cọ xát để xây dựng đội hình, cải thiện lối chơi nhằm chuẩn bị cho giải đấu chính thức là ASEAN Cup 2024. Danh sách triệu tập của đội tuyển Việt Nam bao gồm sự kết hợp giữa các cầu thủ trẻ tiềm năng và những cựu binh dày dạn kinh nghiệm, tạo nên một đội hình mạnh mẽ và đa dạng. Điều này cho thấy sự chủ động trong việc xây dựng lực lượng và chiến lược dài hạn của đội tuyển”, ông Tú cho biết và nhấn mạnh, mục tiêu của đội tuyển Việt Nam tại ASEAN Cup 2024 vẫn là đi đến trận chung kết và phấn đấu cạnh tranh ngôi vô địch.
Cuộc họp này có thể nằm trong kế hoạch, nhưng không loại trừ khả năng quan chức Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng đang trong trạng thái sốt ruột và âu lo. Buổi làm việc với ông Kim không ngoài mục đích “nhắc nhở” và “định hướng” về thành tích. Sau tấm Huy chương Vàng SEA Games 31, diễn ra vào tháng 5/2022 tại Hà Nội, bóng đá Việt Nam 2 năm qua chưa có thêm danh hiệu nào.
Theo Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, một trong những nội dung/mục tiêu đề ra là: Bóng đá nam nằm trong top 8 châu Á và giành quyền tham dự World Cup; Bóng đá nữ trong top 6 châu Á và giành quyền tham dự các kỳ World Cup.
Hơn nữa, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2022 - 2026) cũng đang bước vào nửa cuối nhiệm kỳ. Báo cáo thành tích của đội tuyển Việt Nam không chỉ là ngôi Á quân, hay hạng Ba khu vực… mà phải là chức vô địch, nhằm có thêm sự ủng hộ, đầu tư hướng đến những cái đích tầm châu lục và thế giới.
Huấn luyện viên Kim Sang Sik còn rất nhiều việc phải làm với đội tuyển Việt Nam. Ảnh: INT.
Nguồn lực nội sinh suy yếu
Trong gần nửa năm cầm đội tuyển Việt Nam, huấn luyện viên Kim Sang Sik chưa bao giờ giữ nguyên một đội hình xuất phát. Ngay cả khi áp lực chiến thắng rất cao, như trước trận gặp Ấn Độ, thì ông thầy người Hàn vẫn phải thử nghiệm bởi gần như tất cả chưa mang đến cảm giác an toàn.
Những miếng ghép như Tô Văn Vũ bên phải, trung tâm hàng tiền vệ được trao cho Lê Phạm Thành Long và Châu Ngọc Quang; Nguyễn Văn Toàn, Bùi Vĩ Hào ở hai biên hỗ trợ Nguyễn Hoàng Đức khiến cho cỗ máy đội tuyển Việt Nam vận hành rời rạc, bế tắc trước lối đá áp sát, quyết liệt của các cầu thủ Ấn Độ. Điều đó cho thấy, ông Kim và các cộng sự đang lúng túng, chưa tìm ra phương án hợp lý về nhân sự.
Về mặt lối chơi, ông thầy sinh năm 1976 dường như mong muốn kết hợp những điểm mạnh của người đàn anh đồng hương Park Hang Seo, phòng ngự chắc chắn, và chiến thuật luân chuyển bóng từ hàng thủ, giống như triết lý người tiền nhiệm Philippe Troussier. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ phòng ngự, tấn công, hay phòng ngự phản công, hoặc chủ động áp đặt lối chơi thì đội tuyển Việt Nam trong tay ông Kim đều dang dở, chưa định hình rõ ràng.
Bên cạnh trọng trách của người cầm quân, thì thực tế cho thấy, các cầu thủ chưa tìm được tiếng nói chung trên sân. Mỗi người chơi theo cách của mình, và sự gắn kết trên sân nếu có cũng chỉ là bị động, được xử lý theo năng lực và sáng tạo của từng cá nhân chứ không phải là những miếng đánh được rèn giũa thuần thục trên sân tập. Sự lạc nhịp trong lối chơi của đội tuyển là hệ quả tất yếu.
Về vai trò cá nhân, như đã đề cập, thủ thành Đặng Văn Lâm chưa lấy lại phong độ do thiếu thi đấu đỉnh cao trong thời gian dài. Mắc sai lầm nghiêm trọng ở đợt thi đấu giao hữu tháng 9. Nguyễn Filip mắc nhiều lỗi khá sơ đẳng.
Ngay cả trung vệ dày dạn kinh nghiệm Quế Ngọc Hải trở thành lỗ hổng khá lớn nơi hàng phòng ngự. Ngoài việc bỏ lỡ quả phạt đền, anh còn mắc nhiều lỗi sơ đẳng và ở bàn gỡ hòa 1-1 của tuyển Ấn Độ có lỗi chính của anh. Nhưng nhìn đi, nhìn lại, chưa có gương mặt nào có thể thay thế vai trò của Quế Ngọc Hải. Những Thành Chung, Thanh Bình, hay Việt Anh, hoặc nếu Duy Mạnh, Tiến Dũng trở lại cũng không nổi trội so với trung vệ quê Nghệ An.
Trong khi đó, tuyến giữa vốn được kỳ vọng trở thành bệ phóng cho những thành công với nhiều cầu thủ ngôi sao, song thực tế khu vực này vẫn “rối như canh hẹ”. Đội tuyển Việt Nam và ông Kim đang cố gắng tìm ra bộ khung tiền vệ tối ưu nhất. Nhiều thử nghiệm được đưa ra, nhưng độ vênh giữa các mảnh ghép trên sân dẫn đến lúng túng, sai số trong phối hợp.
Đơn cử như trận gặp Ấn Độ, những chiến binh rồng vàng chưa tìm ra cầu thủ nào có thể cầm trịch trận đấu, hay đúng hơn trọng trách đó vẫn đang trong giai đoạn tìm kiếm gương mặt tin cậy để gánh vác. Những người tốt nhất, có thể là Hoàng Đức, Quang Hải, hay cân bằng hơn là Hùng Dũng đều chưa được “định danh” cho vai trò nhạc trưởng.
Những chân sút tên tuổi như Văn Toàn, Tiến Linh, Tuấn Hải gần như “vô hại” trước khung thành đội tuyển Ấn Độ. Lão tướng Văn Quyết được triệu tập lên tuyển, vào sân thay người ở nửa cuối hiệp 2 đã phần nào để lại dấu ấn. Nhưng sau trận, anh bất ngờ đưa ra quyết định chia tay đội tuyển Việt Nam.
Nguyên nhân phỏng đoán có nhiều, và có lẽ, đội trưởng câu lạc bộ Hà Nội nhận thấy sự không chắc chắn ở lần lên tuyển này. Huấn luyện viên Kim Sang Sik không thể bảo đảm cho anh 1 suất chính thức, kể cả có tên trong danh sách tham dự ASEAN Cup 2024. Chia tay đội tuyển có lẽ là lựa chọn phù hợp cho cầu thủ 33 tuổi Văn Quyết.
Về lý thuyết, ông Kim còn có nhiều lựa chọn để thử nghiệm, hoặc thay thế. Ở giữa sân, đó là tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh. Cầu thủ đang khoác áo Nam Định có kỹ thuật, có tư duy chơi bóng hiện đại, đồng thời luôn có khát khao cống hiến rất lớn. Trong thời gian tới, khi Tuấn Anh lấy lại phong độ và thể lực tốt hơn, anh ấy có thể được gọi lên đội tuyển.
Liên quan đến khả năng sáng tạo, gây đột biến vốn đang còn thiếu của đội tuyển Việt Nam, tiền đạo Công Phượng là gương mặt tiềm năng có thể thay đổi điều đó. Hay một vài gương mặt trẻ như Thái Sơn, Đình Bắc… Vấn đề ở chỗ, sau loạt trận giao hữu tháng 10, đội tuyển Việt Nam chỉ tập chay trước khi tham dự ASEAN Cup 2024. Những toan tính, điều chỉnh của ông Kim nếu còn chỉ diễn ra trên sân tập, hoặc vài trận giao hữu với đối thủ cấp câu lạc bộ ở Hàn Quốc.
Tính riêng trong năm 2024, đội tuyển Việt Nam đã hứng chịu tới 9 trận thua. Ngay cả khi ghế huấn luyện viên trưởng đã đổi chủ thì những chiến binh sao vàng vẫn bế tắc, chưa định hình rõ ràng về nhân sự lẫn lối chơi.
Người hâm mộ, và một số chuyên gia bắt đầu nghi ngờ năng lực của huấn luyện viên Kim Sang Sik, trong khi truyền thông Indonesia như “đổ dầu vào lửa” khi cho rằng đội tuyển Việt Nam hiện tại chẳng thay đổi được gì so với thời huấn luyện viên Troussier. Thế nên, nếu đội tuyển Việt Nam không hoàn thành mục tiêu ở ASEAN Cup 2024, khả năng ông Kim bị sa thải hoàn toàn có thể xảy ra.
Theo kế hoạch dự kiến, đội tuyển Việt Nam sẽ tập trung trở lại vào ngày 21/11, thời điểm kết thúc vòng 9 V-League và vòng 5 giải hạng Nhất 2024 - 2025. Sau đó, thầy trò huấn luyện viên Kim Sang Sik có kế hoạch sang Hàn Quốc tập huấn và thi đấu giao hữu, hoàn tất những khâu chuẩn bị cuối cùng cho trận ra quân tại ASEAN Cup 2024, làm khách trên đất Lào vào ngày 9/12. Như vậy, đội tuyển Việt Nam bỏ qua dịp thi đấu giao hữu quốc tế chính thức FIFA Days - được ấn định từ ngày 11 đến 19/11. Lý do được biết, không tìm được đối thủ phù hợp.
Tin liên quan HLV Kim Sang-sik nhận tin kém vui từ các cầu thủ Việt kiều VFF làm việc với HLV Kim Sang Sik