Việt Nam và hình mẫu Trung Hoa

11/05/2023 09:11
Công trình nghiên cứu Việt Nam và hình mẫu Trung Hoa của Woodside tập trung vào giai đoạn đầu của triều Nguyễn, từ thời Gia Long đến thời Thiệu Trị (1802 - 1847).

 

Việt Nam và hình mẫu Trung Hoa

Ảnh: QUANG DIỆU

Woodside cho rằng cả ba vị vua Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị đều tán thành các quan niệm Trung Hoa về cách thức cai trị một đế chế, tuy nhiên phần lớn nghiên cứu của ông tập trung vào triều đại Minh Mạng - vị hoàng đế ủng hộ Nho giáo nhiệt thành, đồng thời là vị vua không có mấy thiện cảm trong mắt người Pháp.

Minh Mạng là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Việt Nam thống trị cả vùng châu thổ Mekong lẫn châu thổ sông Hồng, là nhà cai trị Việt Nam đầu tiên cai quản một vương quốc thống nhất từ biên giới Trung Hoa đến vịnh Xiêm La (Thái Lan) thông qua các luật hành chính phức tạp du nhập từ bộ luật của Trung Hoa.

Minh Mạng có nhiều đường lối khác vua cha Gia Long, trước hết có thể nói đến vấn đề ngôn ngữ. Chữ Nôm đạt đến đỉnh cao về tính đại chúng từ đầu thế kỷ 19, nó là "cầu nối giúp các ý nghĩa Hán ngữ có thể đi vào trong các ngữ cảnh ngôn ngữ nói tiếng Việt".

Thời Gia Long, quyền lực Gia Định thành hay những người có xuất thân quân ngũ từ đất Gia Định được trọng dụng.

Bộ luật năm 1814 dưới thời Gia Long quy định những thành viên (thư lại) của "Thư tả ty" phải đặc biệt "thông thạo việc chép các kiểu chữ viết phương Nam và phương Bắc".

Trật tự Nam (Nôm) trước Bắc (Hán) và thứ văn tự Nôm "thô vụng, lộn xộn" đó bị đảo trật tự dưới thời Minh Mạng, các thư lại cấp dưới từ sau năm 1820 phải biết bốn loại chữ là: Hán cổ, chữ triện, chữ thảo và chữ Hán phổ thông, đều là chữ Hán.

Sự vay mượn các thiết chế từ Trung Hoa còn được thể hiện qua các cơ quan như Cơ mật viện, Đô sát viện, Nội các... của triều Nguyễn.

Mô hình "lục bộ" (bộ Lại, bộ Hộ, bộ Lễ, bộ Binh, bộ Hình, bộ Công) của Trung Hoa được Việt Nam áp dụng với một số biến thể, thứ bậc hành chính này khi áp dụng vào mô hình Việt Nam vẫn giữ nguyên theo trật tự của Trung Hoa.

Cụ thể, bên Trung Hoa đứng đầu mỗi bộ là thượng thư, từ đời Thanh loại bỏ chức tham tri có từ thời Đường và Nguyên. Ở Việt Nam, đứng đầu mỗi bộ vẫn là thượng thư, tuy nhiên hai cấp phó được gọi là tham tri.

Sau khi thống nhất vương quốc, Minh Mạng cai trị một vùng đất rộng lớn, nếu so độ rộng lớn về đất đai với lãnh thổ của Trung Hoa thì Đại Nam của Minh Mạng nhỏ hơn khá nhiều. Vì sự khác biệt giữa hai đế chế nên số lượng nhân sự trong các bộ cũng khác nhau.

Áp dụng mô hình lục bộ của Trung Hoa, Việt Nam cũng chia các bộ thành các "ty" hay "thanh lại ty", các ty lại có lang trung (giám đốc), viên ngoại lang (phó giám đốc) và chủ sự (thư ký).

Việt Nam và hình mẫu Trung Hoa cho đến nay vẫn được xem là công trình khảo cứu rộng và toàn diện nhất về thể chế hành chính, hệ thống khoa cử, chính sách ngoại giao, quân sự... hay mô hình chính trị của nhà Nguyễn nửa đầu thế kỷ 19, đặt trong tương quan so sánh với nhà Thanh.

Việt Nam và hình mẫu Trung Hoa - Nghiên cứu so sánh về chính quyền dân sự nhà Nguyễn và nhà Thanh nửa đầu thế kỷ XIX được NXB Đại Học Harvard xuất bản lần đầu vào năm 1971, phát triển từ luận án tiến sĩ hoàn thành tại Harvard năm 1968 của Alexander Barton Woodside.

Sau hơn 50 năm, lần đầu tiên công trình kinh điển này được ấn hành bản tiếng Việt. Sách do Ngô Thị Mai Diên - Phan Thị Thu Huyền - Nguyễn Thị Lê và Nguyễn Thị Minh Trung dịch, Nhã Nam và NXB Thế Giới ấn hành.

Alexander Barton Woodside nghiên cứu Việt Nam học từ rất sớm, cùng với các nhà Việt Nam học lừng danh góp phần xây dựng, phát triển và củng cố vị thế ngành Việt Nam học, đào tạo nên nhiều lớp nghiên cứu mới tiếp nối.

Theo Nguồn tuoitre.vn

Việt Nam và hình mẫu Trung Hoa - Giáo Dục