Dự thảo quy định về liên kết giáo dục, giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp
Hải Bình
04/10/2024 09:45
Theo dõi báo trên
GD&TĐ -Sẽ có quy định vềthực hiện liên kết giáo dục, giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp bằng Nghị định của Chính phủ.
Học sinh Phenikaa School. |
Bộ GD&ĐT vừa công bố xin ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, chương trình giáo dục, việc cấp văn bằng, chứng chỉ thực hiện liên kết giáo dục, giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp.
Mục đích ban hành Nghị định nhằm bảo đảm cụ thể hóa quy định của Luật Thủ đô, phù hợp, đồng bộ, thống nhất với Luật Giáo dục 2019 và các quy định của pháp luật có liên quan.
Xây dựng và ban hành Nghị định nhằm quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục, chương trình giáo dục, việc cấp văn bằng, chứng chỉ thực hiện liên kết giáo dục, giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp đặc biệt đối với đối tượng áp dụng là các cơ sở giáo dục công lập.
Nghị định này áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của Thành phố Hà Nội và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Ngoài ra Dự thảo Nghị định bổ sung thêm đối tượng áp dụng cho cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông tư thục của Thành phố Hà Nội thực hiện Chương trình giáo dục tích hợp theo quy định tại Chương III Nghị định này nhằm mục đích thống nhất quy trình phê duyệt chương trình giáo dục tích hợp giữa cơ sở giáo dục tư thục và công lập trên cùng một địa bàn là Thành phố Hà Nội.
Dự thảo Nghị định gồm 6 Chương và 28 Điều. Chương I quy định chung, gồm 5 điều (từ Điều 1 đến Điều 5).
Chương II quy định điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện liên kết giáo dục gồm 9 Điều (từ Điều 6 đến Điều 14).
Chương III quy định về chương trình giáo dục tích hợp gồm 6 điều (từ Điều 15 đến Điều 20).
Chương IV quy định về văn bằng, chứng chỉ trong liên kết giáo dục gồm 2 điều (từ Điều 21 đến Điều 22).
Chương V quy định về tổ chức thực hiện gồm 4 điều (từ Điều 23 đến Điều 26).
Chương VI quy định về điều khoản thi hành gồm 2 điều (từ Điều 27 đến Điều 28).
Một số vấn đề Bộ GD&ĐT xin ý kiến góp ý rộng rãi gồm:
Thứ nhất, bổ sung đối tượng tham gia liên kết giáo dục của nước ngoài. Tại Điều 22 Luật Thủ đô chỉ quy định đối tượng tham gia liên kết giáo dục của nước ngoài là cơ sở giáo dục của nước ngoài.
Tuy nhiên, Thành phố Hà Nội đề xuất bổ sung thêm đối tượng của nước ngoài gồm cả Tổ chức giáo dục vì lý do với hệ thống giáo dục nước ngoài, chương trình giáo dục được công nhận tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đó.
Việc hợp tác với tổ chức giáo dục nước ngoài để thực hiện chương trình giáo dục tích hợp sẽ tạo thuận lợi cho việc tiếp cận chương trình giáo dục tiên tiến, hiện đại.
Nghị định 86/2018/NĐ-CP hiện nay sửa theo hướng cho phép liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục của nước ngoài và các tổ chức giáo dục của nước ngoài (như Cambridge, IB...).
Thứ 2, điều chỉnh tên gọi của Nghị định. Hiện nay theo quy định tại khoản 3 Điều 22 Luật Thủ đô, tên gọi của Nghị định sẽ là “Nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, chương trình giáo dục, việc cấp văn bằng, chứng chỉ thực hiện liên kết giáo dục, giảng dạy chương trình giáo dục tích hợp”.
Tuy nhiên, vì tên Nghị định đang là vế thứ 2 trong khoản 3 Điều 22 nên nếu tách rời ra khỏi ngữ cảnh của Luật Thủ đô sẽ gây khó hiểu về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.
Bộ GD&ĐT đề xuất sửa đổi tên Nghị định thành “Nghị định của Chính phủ quy định về liên kết giáo dục với nước ngoài đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông của Thành phố Hà Nội” đồng thời các nội dung thuộc tên Nghị định theo Luật giao sẽ được ghi tại khoản Phạm vi điều chỉnh.
Xem toàn văn dự thảo Nghị định TẠI ĐÂY.