Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã có những chia sẻ về vấn đề bản quyền, tác quyền trên thị trường âm nhạc, đặc biệt ở giai đoạn Việt Nam đang lên chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đến 2030.Chuyện tác quyền, bản quyền trong âm nhạc tại Việt Nam đang được chi trả như thế nào, thưa nhạc sĩ?- Đối với nhạc sĩ là thành viên của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thì VCPMC đại diện các nhạc sĩ làm việc với các đài truyền hình, các đơn vị sử dụng, ban tổ chức phát hành ca nhạc, quán café, nhà hàng, khách sạn, quán karaoke, phương tiện truyền thông, nền tảng âm nhạc… để phân phối và thu về tiền tác quyền, chi trả cho các thành viên 3 tháng 1 lần (1 năm 4 quý).
Cá nhân tôi bắt đầu tham gia VCPMC vào khoảng năm 2004-2005.
Nhạc sĩ luôn nhận tiền bản quyền thấp hơn cát-sê ca sĩ, góc nhìn của anh về vấn đề này?
- Chúng ta không thể so sánh tiền bản quyền của nhạc sĩ với tiền cát-xê của ca sĩ được. Bởi vì nhạc sĩ sáng tác ra bài hát một lần và nhận được tiền tác quyền từ những trường hợp bài hát được sử dụng để kinh doanh, bao gồm khi ca sĩ hát trên sân khấu, các nhà hàng, quán karaoke, quán café…
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung. Ảnh: FBNV
Còn với cát-xê đi hát, các ca sĩ phải đầu tư rất nhiều từ việc luyện thanh nhạc, vũ đạo đến đầu tư quần áo, trang phục, make up, đi lại, truyền thông hình ảnh… mỗi lần đi diễn.
Do đó, họ có cát-xê cao hơn là điều đương nhiên.
Việt Nam đang tiến hành công nghiệp hóa văn hóa để kiếm tiền từ các ngành văn hóa như Hàn Quốc. Theo anh, câu chuyện bản quyền, tác quyền cần được quản lý như thế nào trong giai đoạn này để có thể phát triển được tối ưu?
- So với nền công nghiệp văn hóa giải trí Hàn Quốc, Việt Nam của chúng ta còn thua khoảng cách khá xa, đó là về chất lượng nghệ thuật, công nghệ đào tạo chứ chưa nói đến chuyện bản quyền, tác quyền.
Chúng ta còn thiếu rất nhiều yếu tố, bao gồm ý thức của khán giả, người nghe. Hiện tại, có một số người nghe cũng đã chấp nhận trả phí cho các nền tảng như Nhaccuatui… cho những bản nhạc có chất lượng cao. Văn minh hơn, họ vào Spotify, iTunes để mua nhạc. Nhưng vẫn có rất nhiều người dùng vẫn nghe các nền tảng miễn phí như YouTube, Zingmp3 (với các version có chất lượng thấp)…
Bên cạnh đó, các ca sĩ, đơn vị sử dụng nhạc chưa có ý thức về quyền tác giả, hoặc hiểu nhưng cố tình lách luật, hoặc lợi dụng những kẽ hở của luật để ăn chặn tiền của các nhạc sĩ. Đó là 3 trong nhiều vấn đề đang tồn tại ngay thời điểm này.
Tôi cũng đã từng là nạn nhân của cả 3 trường hợp đó, biết là bản thân đã mất rất nhiều tiền và đôi lúc cảm thấy buồn chán.
Nhiều bài hát mà mình đã tâm huyết sản xuất, giới thiệu sản phẩm nhưng cuối cùng người hưởng nhiều nhất đôi khi không phải ca sĩ mà là đơn vị sản xuất, phân phối. Chuyện đó khiến tôi rất bức xúc.
Cho nên, tôi đặt hết niềm tin vào VCPMC, nơi các nhạc sĩ như tôi có tư vấn về pháp lý, bản quyền. Họ thay mặt các nhạc sĩ dùng thời gian, kiến thức của họ để tranh đấu, đòi lại quyền lợi mà chúng tôi chính đáng nhận được.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, việc tôn trọng bản quyền thể hiện sự tôn trọng nhau, hiểu luật, văn minh trong nghề. Ảnh: FBNV
Ngược lại, có trường hợp nhạc sĩ đã bán độc quyền bài hát cho ca sĩ nhưng vẫn cho phép một ca sĩ khác hát bài hát đó. Quan điểm của anh về trường hợp này?
Tôi từng bán một bài hát cho Cao Thái Sơn vào năm 2003 và có hạn độc quyền là 2 năm. Đến năm 2005, bài hát đó đã hết hạn độc quyền nên tôi có quyền bán bài hát đó độc quyền cho một ca sĩ khác.
Tôi lại bán độc quyền bài hát này cho Nathan Lee từ năm 2021 đến 2023. Tức là trong thời gian đó, tôi không được bán tác quyền hoặc không được để cho ca sĩ nào khác hát, nếu không có sự đồng ý của ca sĩ mà tôi đã bán độc quyền.
Nếu ca sĩ đã mua bản quyền, họ vì tình thân, vì mối quan hệ hay yêu mến một ca sĩ nào khác mà cho phép người đó được hát thì đó là quyền của họ. Còn trong thời hạn này, tôi không phải là người được quyết định điều đó.
Quan trọng nhất để công nghiệp hóa là tạo ra thị trường âm nhạc mà ở đó, ca sĩ - nhạc sĩ có tác phẩm chất lượng, và khán giả chịu trả tiền mua sản phẩm. Hiện, khán giả Việt không phải nguồn nuôi chính với nghệ sĩ. Họ lười mua album, đĩa vật lý vì giá cao, chỉ thích xem MV miễn phí trên YouTube... Góc nhìn của anh về việc này?
- Hiện tại, đĩa vật lý gần như không còn bán được nữa, hoặc chỉ bán tốt với những ca sĩ sở hữu chất giọng được ghi nhận và trân trọng, có lượng fan đông đảo như Lân Nhã, Mỹ Tâm…
Tôi nghĩ, mỗi một giai đoạn, thời điểm sẽ có những sự thay đổi. Ngày xưa còn máy đĩa, các ca sĩ có thể kiếm tiền nhờ bán album vật lý. Còn bây giờ công nghệ phát triển, khán giả có thể dễ dàng lên mạng để nghe những bài hát đó, không có nhu cầu mua đĩa nữa thì các ca sĩ lại có những nền tảng khác như Youtube, Tiktok… để kiếm tiền. Cái cần là họ phải thay đổi làm sao để thích nghi với thời đại.
Theo anh, ca sĩ phải thay đổi để thích nghi với thời đại. Ảnh: NVCC
Với ca sĩ có tên tuổi, thực lực, giọng hát tốt, thì tôi nghĩ vẫn có thể bán đĩa được. Quan trọng nhất là khán giả chịu trả tiền để mua sản phẩm, bởi vì đó là nguồn nuôi những người nghệ sĩ để có động lực sáng tạo không ngừng.
Quan điểm về nghệ thuật sau đây sẽ thay đổi, nghệ sĩ sẽ là những người bán hàng và sản phẩm nghệ thuật sẽ là hàng hóa. Nếu Việt Nam công nghiệp hóa ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trong đó có âm nhạc, theo anh phải bắt đầu từ đâu?
- Tôi chỉ là một người sáng tác. Tôi nghĩ việc của mình đương nhiên là tạo ra những bài hát hợp thời, nhưng đó không phải là tất cả.
Lý tưởng sau cùng của người nhạc sĩ là viết ra được những bài hát để đời, có giá trị sống lâu dài và tác động tích cực đến xã hội chứ không phải chỉ theo "trend".
Là một nhạc sĩ, anh mong chờ điều gì ở quá trình công nghiệp hóa văn hóa ở Việt Nam?
- Tôi mong chờ sự ý thức, văn minh và sự tôn trọng quyền tác giả một cách tối đa nếu công nghiệp hóa nghệ thuật biểu diễn, trong đó có âm nhạc Việt Nam.
Cảm ơn những chia sẻ của anh!